Thuần chay là khái niệm được sáng tạo bởi ông Donald Watson vào thời điểm ông sáng lập ra tổ chức The Vegan Society – Một tổ chức thiện nguyện xã hội thuần chay lâu đời nhất trên Thế giới được thành lập tại Anh vào tháng 11 năm 1944.
Các bạn có biết vì sao ông lại quan tâm đến thuần chay không? Vì hơn hết ông đã thấy được tầm quan trọng của thuần chay đối với sức khoẻ và tinh thần trong lối sống.
Đó cũng chính là lý do giúp cho ông sống thọ đến 95 tuổi từ năm 1910 đến năm 2005.
Từ xa xưa người ta quen thuộc với từ Vegetarian tức là ăn chay. Còn Vegan chính là sự kết hợp của yếu tố đầu và cuối của từ Vegetarian với mục đích nhấn mạnh vào sự quyết tâm trong phương thức tiêu thụ các nguồn thực phẩm trong ăn uống và thể hiện tình yêu thương đối với các loài động vật trong lối sống.
Vì vậy ăn chay trong tiếng Anh sẽ được gọi là Vegetarian. Còn khái niệm Vegan là bao gồm cả ăn chay và cả những phương thức sống chay khác nên chúng ta có thể giữ nguyên để sử dụng trong văn phong tiếng Việt. Còn nếu chỉ xét về khía cạnh ăn uống. Mọi người có thể gọi là ăn thuần chay.
Vậy như thế nào là Vegetarian (Ăn chay), như thế nào là Vegan (Ăn thuần chay). Cùng Vigove tiếp tục tìm hiểu qua sơ đồ sau có tên là PVVR để tóm tắt ngắn gọn hơn về 4 cấp độ ăn chay nhé.
Cấp độ 1: Ăn chay theo thời điểm (Part-Time Vegetarian): Những người ăn chay theo kiểu 1 tuần hoặc 10 ngày hoặc nửa tháng hoặc xen kẽ giữa các ngày. Tóm lại là họ ăn chay bất chợt theo cảm hứng, lâu lâu muốn thay đổi khẩu vị, hoặc bất chợt lòng xót thương cho các loài động vật bên trong họ nổi dậy hay đơn giản là họ muốn cầu nguyện một điều gì đó và muốn ăn chay.
Cấp độ 2: Ăn chay (Vegetarian): Đó là chế độ ăn chay truyền thống mà chúng ta rất quen thuộc. Chế độ ăn chay này là sự kết hợp trong các bữa ăn với các loại thực phẩm như hạt, đậu, rau củ quả, trái cây, nấm, thực vật biển và bao gồm cả những thực phẩm như sữa, sản phẩm từ sữa, trứng, mật ong và một số loại nguyên liệu thực phẩm chế biến từ thực vật khác với tên gọi “chay giả mặn” chẳng hạn như chả lụa chay, nem chay, hay các sản phẩm đóng gói chay như Hủ tiếu chay, Đùi gà hộp chay, …
Ngoài ra, họ có thể sử dụng các sản phẩm thời trang từ lông và da của các loài động vật như là một điều gì đó bình thường trong cuộc sống. Họ sẽ chỉ nhấn mạnh vào việc ăn uống, vì họ quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ. Những người ăn chay kiểu này sẽ được gọi đúng hơn là bán chay. Đặc biệt những người quyết định ăn bán chay trường, tức là ăn suốt đời sẽ được gọi là Strict Vegetarian và tạo nên một lối sống bán chay mà trong tiếng Anh sẽ được gọi là Vegetarianism.
Cấp độ 3: Ăn thuần chay (Vegan): Họ sẽ không hấp thụ sữa, các sản phẩm từ sữa, trứng và mật ong. Vì theo quan niệm của Vegan, những thứ trên có nguồn gốc từ động vật nên không được phép hấp thụ.
Ngoài ra bên cạnh việc không sử dụng các nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, họ còn mạnh tay và nghiêm túc hơn trong việc tiêu trừ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như lông và da dùng cho các sản phẩm thời trang như: Giày da, túi xách da, dây nịt da và mỹ phẩm làm đẹp.
Đặc biệt, họ sẽ kịch liệt phản đối các hành vi gây tổn thương lên động vật như các cuộc tiến hành thí nghiệm trên thỏ, chuột, khỉ, hay các hành động huấn luyện hành hạ và bóc lột sức lao động của động vật trong các rạp xiếc, …
Tóm lại họ sẽ cực kỳ nghiêm túc nói không trong mọi thứ có nguồn gốc từ động vật hay tác động gây hại đến động vật. Họ sẽ hoàn toàn tôn trọng lối sống riêng của các loài động vật. Và hình thành một lối sống, đó là lối sống thuần chay, trong tiếng Anh còn được gọi là Veganism.
Cấp độ 4: Ăn thuần chay thô (Raw Vegan)
Là ăn không qua chế biến. Những người theo trường phái Raw Vegan chỉ hấp thụ thực phẩm ở trạng thái hoàn toàn sống hoặc chỉ làm ấm ở nhiệt độ dưới 48 độ C.
Vì theo họ nếu nóng quá sẽ làm mất đi những dưỡng chất của thực phẩm.
Một chế độ ăn Raw thường sẽ bao gồm nhiều rau xanh, các loại củ, trái cây, hạt, ngũ cốc và các loại đậu.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn sẽ không được khuyến khích trong chế độ ăn này. Ví dụ bánh Snack có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật hoặc các loại rau củ đóng hộp công nghiệp,..
Tóm lại không chỉ nói không với tất tần tật mọi thứ có nguồn gốc từ động vật, họ cũng sẽ nói không với thực vật đã qua chế biến công nghiệp đóng hộp hoặc những thực phẩm cần làm chín ở nhiệt độ rất cao.
Ngoài ra, còn có một khái niệm khác cũng liên quan đến ăn chay được gọi là thực dưỡng hay thực dưỡng Ohsawa – được đặt theo tên của người sáng lập ra nó, ông Georges Ohsawa – một triết gia người Nhật Bản. Thực dưỡng được xem là 1 quá trình chuyển hoá dần từ ăn mặn sang ăn thuần chay gồm 10 nấc thang với chế độ khẩu phần ăn khác nhau hướng dần về gạo lứt. Từ nấc thang 1 đến nấc thang 5 sẽ vẫn tồn tại thịt cá. Nhưng từ nấc thang 6 đến nấc thang 10 thì khẩu phần ăn của thực dưỡng đã hoàn toàn tương đồng với ăn thuần chay và thoát ra khỏi được chế độ ăn mặn.
Nhưng có một điểm khác ở thực dưỡng so với ăn thuần chay đó là thực phẩm chính phải là gạo lứt. Khi đến nấc thang 10 – nấc thang cao nhất của thực dưỡng thì chỉ hoàn toàn hấp thụ dưỡng chất duy nhất từ gạo lức mà thôi.
Cho dù bạn đang ăn chay ở cấp độ nào, hoặc thậm chí bạn là người ăn mặn đang đọc bài viết này, Vigove mong rằng các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị của việc ăn chay hoặc thuần chay mang lại. Từ đó, các bạn sẽ có được những lựa chọn phù hợp cho chính mình. Hãy thực sự lắng nghe cơ thể và tâm trí của mình để có những lựa chọn và quyết định đúng đắn.
Chúng ta đã làm rõ khái niệm ăn chay và ăn thuần chay là gì trong bài viết ngày hôm nay rồi. Nếu có thắc mắc các bạn có thể để lại bình luận bên dưới nhé.